Sự hoài nghi của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với WTO và Trung Quốc thể hiện rõ trong cuộc bầu chọn người đứng đầu tổ chức này.

Dưới đây là các tin thế giới nổi bật sáng nay, thứ Năm ngày 29/10/2020:

Mỹ phản đối ứng viên gốc Nigeria làm lãnh đạo WTO

Hôm 28/10, Hoa Kỳ đã phản đối việc đề cử nhà kinh tế gốc Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala vào vị trí tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo Reuters.

Bà Ngozi có quốc tịch kép (Mỹ và Nigeria), từng giữ vị trí số 2 tại Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, chính Mỹ đã phản đối bầu bà Ngozi vào ghế lãnh đạo WTO. Thay vào đó Mỹ ủng hộ ứng viên người Hàn Quốc, Bộ trưởng Thương mại Yoo Myung-hee.

Bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc hoặc bà Ngozi Okonjo-Iweala (công dân Mỹ - Nigeria) sẽ trợ thành nữ giám đốc WTO đầu tiên trên thế giới (ảnh: Wikimedia Commons).
Bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc hoặc bà Ngozi Okonjo-Iweala (công dân Mỹ – Nigeria) sẽ trợ thành nữ giám đốc WTO đầu tiên trên thế giới (ảnh: Wikimedia Commons).

Cuộc họp bàn tiếp theo của WTO sẽ diễn ra vào ngày 9/11, vài ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11/2020.

Chính quyền Trump nghi ngờ WTO

Giới quan sát cho rằng sự phản đối của Mỹ đối với bà Ngozi là do nghi ngờ WTO sẽ bị thao túng bởi một quốc gia lệ thuộc vào Trung Quốc.

Điều này làm gợi nhớ đến sự hoài nghi của chính quyền Tổng thống Trump đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo Nikkei.

Tổng giám đốc WHO là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người Ethiopia, một quốc gia nhận nhiếu vốn vay từ Trung Quốc. Ông Tedros bị chỉ trích là “thân Trung Quốc” và ứng phó với dịch COVID-19 dựa theo thông tin tuyên truyền từ Bắc Kinh.

Chính quyền Trump đã cắt bỏ viện trợ của Mỹ và rời bỏ WHO, sau khi không thấy cải tổ rõ ràng nào từ tổ chức này.

Giống như Ethiopia, Nigeria là nước nhận nhiều viện trợ kinh tế của Trung Quốc.

Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích WTO để mặc Trung Quốc lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu trong khi vi phạm các quy tắc của tổ chức này.

Triều Tiên bênh vực chính quyền Maduro ở Venezuela

UPI đưa tin, tờ báo nhà nước Minju Choson của Triều Tiên hôm 28/10 đã đăng bài xã luận bênh vực chính quyền Nicolas Maduro ở Venezuela.

Tờ báo Bình Nhưỡng nói rằng chính quyền Maduro là hợp pháp nhưng “các lực lượng chống chính phủ” đã hành động như thể Maduro là “cái gai trong mắt”. Tờ báo không đề cập đến Hoa Kỳ, nhưng UPI cho rằng đây là lời chỉ trích ngầm đối với Washington.

Chính quyền Trump công nhận lãnh đạo phe đối lập, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia này. Mỹ chỉ trích ông Maduro đã gây ra tình trạng tham nhũng, siêu lạm phát và nghèo đói nhanh chóng ở quốc gia từng giàu có nhất Nam Mỹ.

Làn sóng đóng cửa mới ở châu Âu vì COVID-19

AP đưa tin, các nước châu Âu đang phải trải qua một cuộc đóng cửa kinh tế tiếp theo do các ca nhiễm nCoV tăng mạnh những ngày qua.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố đóng cửa trên toàn quốc từ ngày 30/10. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel ra lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng và nhà hát trong 4 tuần.

Các quốc gia như Thụy Sĩ, Ý, Bulgaria và Hy Lạp đã đóng cửa hoặc kiểm soát các địa điểm ăn uống vào ban đêm, cũng như các biện pháp giới nghiêm khác. Madrid và các khu vực khác của Tây Ban Nha đã cấm các hoạt động, ngoại trừ việc đi lại vì mục đích thiết yếu.

Tây Ban Nha điều tra vai trò của Nga trong phong trào ly khai của Catalan

AP đưa tin, một thẩm phán ở Barcelona đang điều tra mối liên hệ giữa những người thúc đẩy Catalan độc lập và một chiến dịch có liên quan đến Nga.

Các nhà điều tra Tây Ban Nha phát hiện một chiến dịch có liên kết với Nga, bóp méo thông tin nhằm gây bất ổn châu Âu.