Có thể thay đổi tội danh khởi tố với người chồng gây án vì cứu vợ?
Liên quan đến vụ anh Trần Ngoại Giao đâm chết người khi cứu vợ, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ án “bắt giữ người trái pháp luật”, “giết người” và khởi tố 7 bị can để điều tra cho 2 tội danh trên. Dư luận đặt ra câu hỏi việc khởi tố bị can Giao về tội “giết người” liệu có thỏa đáng?
- Truy tố tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79%
- Người chồng bị khởi tố vì giết người khi giải cứu vợ
- Vụ chồng đâm chết người để giải cứu vợ: Em trai tham gia bắt cóc chị gái ra đầu thú
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ sáng 21/11, đại tá Huỳnh Thanh Mộng – thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can Giao về tội “giết người” là để làm rõ việc có hành vi giết người hay không.
Một thẩm phán đang làm việc tại TP. HCM (đề nghị không nêu tên), sau khi xem clip cũng như thông tin từ cơ quan điều tra cho rằng, khởi tố vụ án “giết người” là cần thiết. Sau khi điều tra, làm rõ thì mới kết luận đó là tội gì.
Xét diễn biến của vụ việc có thể thấy anh Giao đang lột vỏ dừa ngoài vườn thì nghe vợ la hét kêu cứu nên liền lao vào, trên tay vẫn cầm theo cây sắt nhọn để lột vỏ dừa. Xuất phát từ việc muốn cứu vợ nên anh Giao đã lao ra ôtô, nhưng lúc này một người trong nhóm bắt cóc đã dùng bình xịt hơi cay vào mặt.
Hành vi ban đầu của anh Giao cố gắng giữ vợ lại là đang thực hiện việc ngăn chặn một hành vi tội phạm đang xảy ra. Trong quá trình ngăn chặn này, anh Giao lại bị tấn công bằng bình xịt hơi cay nên đã chống trả, khua khoắng cây lột dừa dẫn đến đâm trúng người và gây ra tử vong.
“Có thể thấy nhóm bị can bắt giữ người đang thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng. Để bảo vệ người thân, anh Giao đã thực hiện hành vi chống trả lại nhưng ngay lúc này thì anh Giao bị tấn công nên hành vi của anh Giao có thể thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc tội phạm nhẹ hơn tội giết người.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự đoán trên cơ sở thông tin ban đầu. Kết quả còn phụ thuộc nhiều vào lời khai, động cơ và các hành vi cụ thể của các bị can theo diễn biến vụ việc”, vị thẩm phán này phân tích.
Có thể thay đổi tội danh trong quá trình điều tra?
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, có thể thấy rõ hành vi vi phạm pháp luật xuất phát từ nhóm người dùng vũ lực để bắt chị Hằng trước. Trong tình huống này, hành vi của nhóm người đó đã xâm phạm đến quan hệ pháp luật và quan hệ xã hội.
Về mặt pháp lý, họ có dấu hiệu của tội bắt người trái pháp luật và trên thực tế họ đã bị khởi tố về tội danh này theo điều 157 Bộ luật hình sự. Về mặt xã hội, họ gây tổn hại đến tình cảm vợ chồng giữa chị Hằng và anh Giao.
Đành rằng pháp luật không khuyến khích người không có thẩm quyền dùng vũ lực để đáp trả hành vi vũ lực. Nhưng Bộ luật hình sự cũng có những quy định tiến bộ, nhân văn để bảo vệ người gây thiệt hại cho người phạm tội trong trường hợp họ không thể lựa chọn phương án nào khác để an toàn cho tất cả các bên.
“Bộ luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội là những quy định tiến bộ, nhân văn như đã nói ở trên. Rất hy vọng cơ quan tố tụng sẽ áp dụng một trong các điều luật này đối với anh Giao, không nên quy buộc anh Giao phạm tội giết người, khi anh đang cố gắng chống trả những người gây tổn hại đến vợ mình” – luật sư Thanh bày tỏ.
Trước đó, báo Zing thông tin, trưa 15/11, một nhóm người đi ôtô 7 chỗ dừng trước quán cà phê nằm ven quốc lộ 53. Sau đó, những người này khống chế chủ quán là chị Hằng để đưa lên ôtô.
Nghe tiếng vợ la hét, anh Giao lao ra giải cứu. Bị xịt hơi cay, nghi phạm cầm thanh sắt đâm một người tử vong và làm 2 người khác bị thương.
Đến ngày 20/11, công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố bị can, bắt tạm giam anh Giao để điều tra về tội Giết người.