Ngày 14/3 được xem là ngày bạo lực nhất tại Myanmar khi ít nhất 39 người đã thiệt mạng tại các cuộc biểu tình, trong khi nhiều nhà máy của Trung Quốc tại nước này bị thiêu rụi và nhiều nhân viên Trung Quốc bị thương.

Theo Reuters, hôm 14/3, lực lượng an ninh đã giết ít nhất 22 người biểu tình phản đối đảo chính ở khu công nghiệp nghèo tại quận Hlaing Thayar, Yangon sau khi một số nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại đây bị đốt cháy.

Thông tin từ Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết các địa phương khác cũng ghi nhận có 16 người biểu tình và 1 cảnh sát đã thiệt mạng trong ngày 14/3, biến ngày này trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính hôm 1/2.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nhiều nhân viên Trung Quốc đã bị thương và mắc kẹt trong các cuộc tấn công, đốt phá tại các nhà máy may mặc ở Hlaing Thayar. Đại sứ quán Trung Quốc mô tả tình hình “rất nghiêm trọng”, kêu gọi Myanmar bảo vệ công dân và tài sản của họ.

Bắc Kinh được coi là hậu thuẫn cho chính quyền quân đội trong cuộc đảo chính ngày 1/2 khiến người dân Myanmar trút giận lên các nhà máy Trung Quốc.

Truyền thông địa phương cho biết khi khói bốc lên từ Khu công nghiệp ở Hlaing Thayar, lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình tại khu vực này –  vốn là nơi sinh sống của nhiều người di cư từ khắp Myanmar.

“Thật kinh khủng. Mọi người bị bắn trước mắt tôi. Điều đó sẽ không bao giờ biến mất trong ký ức của tôi”, Reuters dẫn lời một phóng viên ảnh tại hiện trường cho biết.

Theo truyền thông Myanmar, chính quyền quân sự đã ban hành thiết quân luật tại Hlaingthaya và một quận khác ở Yangon, trung tâm thương mại và thủ đô cũ của nước này.

Đài truyền hình Myawadday do quân đội điều hành cho biết lực lượng an ninh đã hành động sau khi 4 nhà máy may mặc và 1 nhà máy phân bón bị đốt cháy và khoảng 2.000 người biểu tình đã cản trở không cho xe cứu hỏa tiếp cận các nhà máy này.

Tiến sĩ Sasa, đại diện của các nhà lập pháp được bầu bị quân đội lật đổ, lên tiếng kêu gọi đoàn kết với người dân Hlaingthaya. “Những thủ phạm, những kẻ tấn công, kẻ thù của người dân Myanmar, SAC (Hội đồng Hành chính nhà nước) sẽ phải chịu trách nhiệm cho từng giọt máu đã đổ”, ông Sasa nói.

Quốc gia Đông Nam Á đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày1/2, bắt giam bà và các quan chức của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đồng thời thiết lập một đội ngũ tướng lĩnh cầm quyền.

AAPP cho biết những cái chết hôm Chủ nhật đã đưa số người thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên 126 người. Hơn 2.150 người đã bị giam giữ và khoảng 300 người đã được thả, tính đến hết ngày 13/3.