Luật quy định ôtô, xe máy phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nhưng khi người đi xe máy xảy ra tai nạn, yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường, nghe xong thủ tục thì ai cũng muốn bỏ cuộc.

Từ ngày 15/5 đến ngày 14/6/2020, lực lượng CSGT được phép dừng tất cả các xe để kiểm tra giấy tờ, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội… mà không cần có dấu hiệu vi phạm.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang các theo giấy tờ sau: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe (còn thời hạn), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe ô tô, rơ moóc, đầu kéo).

Câu chuyện về bảo hiểm xe máy lại trở thành đề tài nóng trong mấy ngày vừa qua. Người dân nháo nhào đi mua bảo hiểm xe máy nhưng mục đích chủ yếu là để đối phó với lực lượng chức năng, chứ rất ít người hiểu rõ điều kiện, lợi ích khi mua bảo hiểm này.

Ảnh minh hoạ (ảnh lấy từ VnExpress.net)

Chúng ta hãy nghe chính người trong nghề nói về câu chuyện “bồi thường bảo hiểm”. Anh H, một người có 6 năm trong nghề bán bảo hiểm xe máy khẳng định với phóng viên báo Zing rằng, anh chưa bao giờ gặp trường hợp nào đòi bồi thường bảo hiểm xe máy. Anh cũng chia sẻ thêm giá mua bảo hiểm xe máy chỉ có 66.000 đồng/ năm, hạn mức thanh toán bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng. Trong khi bình quân hàng năm có khoảng 20.000 vụ tai nạn giao thông, gần 10.000 người chết, hơn 15.000 người bị thương. Có lẽ, chỉ một số lượng rất ít người đòi đền bù bảo hiểm thành công ở mức “nhỏ giọt” như vậy mới có thể khiến các hãng bảo hiểm ung dung tiến bước như vậy?

Vì sao ít người đòi tiền bảo hiểm xe máy?

Một phần nguyên nhân là vì chủ phương tiện rất ngại làm thủ tục bồi thường. Theo quy định hiện hành, muốn bồi thường thì cần phải có biên bản của CSGT hoặc giấy xác nhận của công an khu vực (nơi xảy ra tai nạn). Nếu người bị thương nhập viện thì phải có giấy ra viện, đơn thuốc. Nếu xe bị hỏng thì phải có hoá đơn của tiệm sửa xe và xác nhận vụ việc của công an… Tất cả giấy tờ phải được công an đóng dấu mộc đỏ, cùng sự ghi nhận của công ty bảo hiểm.

Người Việt có thói quen nếu tai nạn không quá nghiêm trọng thì mọi người đều tự xử lý, tự thoả thuân với nhau. Họ rất ngại báo CSGT vì sau khi lập biên bản có khi họ lại gặp những rắc rối khó nói khác.

Sự nhiêu khê của thủ tục thanh toán khiến nhiều người cho rằng, bảo hiểm xe máy là “vô dụng”. Anh T (thành viên CLB Grab Sài Gòn) chia sẻ với phóng viên báo Pháp luật TP.HCM rằng, anh không quan tâm việc mua bảo hiểm xe máy bởi vì có mua rồi gặp tai nạn thì cũng không biết làm cách nào để được bồi thường. Để nhận được bồi thường thì thủ tục cũng rất mệt mỏi. Thà bị cảnh sát phạt 200.000 còn hơn mua bảo hiểm mà không biết quyền lợi gì.

Không chỉ thủ tục, thái độ của những người liên quan đến lĩnh vực đền bù bảo hiểm xe máy cũng là một điều đáng nói. Báo Tuổi Trẻ dẫn ra một câu chuyện rằng, có 2 vợ chồng đi xe máy bị chiếc xe đi ngược chiều va quẹt làm người vợ bị thương khá nặng. Do 2 vợ chồng có mua BHXM nên gọi điện cho công ty bảo hiểm yêu cầu bồi thường thì nhận được câu trả lời rằng người ngồi sau có mua bảo hiểm tự nguyện bị tai nạn phải tử vong mới được nhận tiền bồi thường. Đến khi người phụ nữ thật thà hỏi lại: “Tôi không hiểu về bảo hiểm này, nhờ bạn giải thích”, nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ.

Câu chuyện liên quan đến bảo hiểm xe máy hẳn tiếp tục còn nóng trên các mặt báo, trong mỗi gia đình và từng tuyến đường, ngõ hẻm. Bởi nó là câu chuyển tưởng nhỏ mà không phải nhỏ. Nếu tính ra mỗi bảo hiểm xe máy chỉ 66.000 đồng cho một năm, cũng không phải là số tiền quá lớn với mỗi người, mua xong cất vào ví cho yên tâm mỗi khi bị kiểm tra chứ chẳng mấy ai quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm. Nhưng với hàng chục triệu chiếc xe máy mà nhân lên với số tiền này thì lại là một con số đáng suy nghĩ.
Vả lại, điều nhiều người đang bàn tán ở đây là xoay quanh câu chuyện này, thái độ của các nhà công quyền, lập pháp ra sao để cho người dân không mất tiền oan, và những đồng bạc từ bảo hiểm không chảy về túi các nhóm lợi ích.