Theo Reuters, hôm qua ngày 04/06/2020, Hồng Kông đã thông qua dự luật sẽ hình sự hóa việc thiếu tôn trọng quốc ca Trung Quốc, đây được coi là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh để kiểm soát đặc khu bán tự trị này.

Bằng việc thông qua dự luật này chỉ sau vài ngày khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia khiến Hoa Kỳ, Anh, Úc và Canada cũng như các nhóm nhân quyền quốc tế cho rằng Luật này sẽ tước đoạt các quyền tự do tại Hồng Kông, nơi được nhìn nhận là một trung tâm tài chính toàn cầu.

Dự luật này của Hồng Kông về việc phải tôn trọng quốc ca Trung quốc và yêu cầu học sinh tiểu học và trung học ở Hồng Kông sẽ được dạy hát quốc ca Trung Quốc có tên là “Hành khúc nghĩa dũng quân”,cũng như sẽ được dạy về lịch sử và nghi thức của bài quốc ca này.

Luật này cũng đưa ra hình phạt lên tới ba năm tù cũng như phạt tiền lên tới 50.000 đô la Hồng Kông (6.450 đô la Mỹ) đối với các cá nhân có hành động xúc phạm bài quốc ca Trung Quốc. Trước đây, Bài quốc ca Trung Quốc đã bị la ó trong các trận bóng đá, nơi người hâm mộ bóng đá Hồng Kông đã có lúc hát bài “Hương cảng mới” (Glory to Hongkong), một bài hát đã trở thành tiếng nói đại diện cho phong trào dân chủ của Hồng Kông.

Được biết bài hát quốc ca Hành khúc nghĩa dũng quân” được nhà thơ và soạn giả ca kịch Điền Hán viết lời và Niếp Nhĩ phổ nhạc với thể loại hành khúc vào khoảng giữa giai đoạn Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Bài hát này là chủ đề trong bộ phim Phong vân nhi nữ, kể về một nhà thơ tên là Tân Bạch Hoa đại diện cho tầng lớp trí thức của nước Trung Hoa cũ, đã gác lại ngòi bút sáng tác để làm người lính trong cuộc chiến chống Nhật.

“Hành khúc nghĩa dũng quân” được hát ở phần đầu và phần cuối của bộ phim này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Không bao lâu bài hát này trở thành chiến ca nổi tiếng của Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Vào năm 1949, “Hành khúc nghĩa dũng quân” được coi như bài hát quốc ca của Trung Quốc và chính thức được phê duyệt là quốc ca của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào năm 1978.

Tuy nhiên, Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Điền Hán bị bắt giam, và cũng vì thế mà bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” cũng bị cấm hát; kết quả là trong giai đoạn đó bài “Đông phương hồng” được chọn làm quốc ca không chính thức.

Vào ngày 04/12/1982, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thống nhất chọn lại bản gốc năm 1935 của Điền Hán làm quốc ca chính thức.

Và giờ đây việc người Hồng Kông phải học hát, học lịch sử và bị phạt nặng nếu có thái độ thiếu tôn trọng quốc ca Trung Quốc được giới truyền thông đánh giá rằng đây là một động thái mạnh mẽ của chính quyền Bắc Kinh thể hiện sự kiểm soát đối với Hồng Kông.