Nikkei đưa tin, hai chuyên gia chính trị hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc phát biểu về khả năng xảy ra xung đột giữa hai nước. Trong khi bà Bonnie Glaser nhận định hai nước sẽ “khó có thể chung sống với nhau”, thì ông Yan Xuetong khẳng định: “Sẽ không có chiến tranh, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra xung đột”.

Nhà khoa học chính trị người Mỹ, Graham Allison nhận định rằng, có 12 trong tổng số 16 trường hợp tương tự trải dài suốt 500 năm qua đều dẫn đến chung một tình trạng, chính là chiến tranh bùng nổ. Vậy liệu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có xảy ra cuộc chiến thực sự không? Điều đó ắt hẳn là một câu hỏi chính trị nóng nhất trong thời đại chúng ta ngày nay.

Học giả đối ngoại hàng đầu Trung Quốc, ông Yan Xuetong, cho rằng giữa hai nước sẽ không thể xảy ra chiến tranh, nhưng sẽ có nhiều vấn đề tồn tại bắt nguồn từ đó. Đồng thời ông cũng lưu ý rằng, không loại trừ khả năng có thể xảy ra một cuộc xung đột quân sự với quy mô nhỏ. 

Ngoài ra, chuyên gia người Mỹ Bonnie Glaser cũng cho biết sẽ rất khó để Mỹ và Trung Quốc cùng chung sống hòa bình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Yan Xuetong (trái), chủ nhiệm Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và Bonnie Glaser (phải), cố vấn cấp cao về châu Á, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Washington).
Ông Yan Xuetong (trái), chủ nhiệm Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và bà Bonnie Glaser (phải), cố vấn cấp cao về châu Á, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Washington). (Nguồn ảnh: Oki Nagai / CSIS)

Mỹ – Trung cạnh tranh không ngớt vào thập niên tới

Ông Yan Xuetong nhận định, bản chất mối quan hệ Mỹ – Trung chính là sự cạnh tranh, nó đã lan rộng từ thương mại ra các lĩnh vực khác bao gồm: công nghệ, tài chính và quân sự. 

Đồng thời, tình hình đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ thu hẹp khoảng cách quyền lực giữa hai nước. Vì vậy, ông Yan dự báo cuộc đấu đá này sẽ không thể kết thúc trong vòng một thập niên tới.

Cốt lõi là cuộc chiến công nghệ

Ông Yan tin rằng sẽ không có cuộc chiến tranh nào xảy ra giữa hai cường quốc. Ông nhận định cuộc chiến giữa hai nước chính là sự cạnh tranh chiến lược kỹ thuật số.

Trong khi đó, bà Glaser cho rằng cuộc cạnh tranh công nghệ là vấn đề cốt lõi. Mỹ sẽ không từ bỏ vị trí lãnh đạo trong các lĩnh vực công nghệ, và dĩ nhiên Trung Quốc cũng sẽ làm mọi cách để giành lấy lợi thế và trở thành bá chủ. Bà nhận định, bản chất của chính sách hợp nhất dân sự-quân sự mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi thực sự khá nguy hiểm.

Mỹ – Trung khó chung sống hòa bình

Theo báo Nikkei, bà Glaser nhận định Mỹ và Trung Quốc sẽ rất khó tìm ra con đường chung sống hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi Mỹ quyết tâm duy trì quyền can thiệp thì Trung Quốc lại kiên quyết từ chối cho Mỹ tiếp cận.

Đơn cử là việc Bắc Kinh kêu gọi các nước Đông Nam Á cảnh giác Mỹ, cáo buộc Mỹ đang tìm cách “phá hoại hòa bình Biển Đông”. Hồi tháng 7, Washington chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giới quan sát nhận định chính quyền Trump đang thiết lập liên minh quốc tế nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong một bài phân tích đăng trên Nikkei Asian Review, chuyên gia quân sự Derek Grossman cho rằng Hoa Kỳ đang có một liên minh vững chắc, trong khi, bạn bè của Trung Quốc vừa ít vừa không đáng tin.

Thông điệp của chính quyền Trump

Ngoài ra, bà Glaser cho biết thêm, các quan chức chính quyền Trump đã đưa ra một loạt phát biểu nhấn mạnh các thông điệp cụ thể. 

Theo bà Glaser, thông điệp đầu tiên của chính quyền Trump là Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ và các nền dân chủ trên thế giới. Đặc biệt, trong đề xuất thành lập liên minh dân chủ, Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi các quốc gia cùng chí hướng thức tỉnh và nhận ra nguy cơ mà Trung Quốc gây ra. 

Thông điệp thứ hai là kêu gọi thay đổi chế độ ở Trung Quốc, theo bà Glaser. Không ai sử dụng cụm từ đó một cách rõ ràng, nhưng một số bài phát biểu của chính quyền Trump cho thấy Mỹ không chỉ giới hạn trong việc thay đổi các chính sách của Trung Quốc.

Bà cũng chỉ ra một trong các mục tiêu của Mỹ hiện nay là củng cố năng lực cho người dân Trung Quốc đứng lên thay đổi chính quyền nước này.