Nới lỏng giãn cách xã hội, từ 23/4 nhiều hàng ăn ở Thủ đô đã mở cửa trở lại, một số chủ quán tự chế thêm vách ngăn hạn chế giọt bắn tại bàn để phòng chống lây lan dịch bệnh.

Từ 0h ngày 23/4, Thủ đô Hà Nội đã cho hoạt động kinh doanh mở dần trở lại, tuy nhiên vẫn cấm các quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử và một số nơi tập trung đông người. Nhiều quán phở và quán ăn nổi tiếng ở Thủ đô đã mở cửa trở lại, bắt đầu có người dân đến thưởng thức sau nhiều ngày cách ly.

Để đảm bảo phòng chống dịch Viêm phổi Vũ Hán, nhiều chủ hàng ăn đã sáng tạo, tự chế ra các vách ngăn trên bàn. Mỗi ô có kích thước đủ khách ngồi vừa, không chạm mặt trực tiếp với người đối diện hoặc người bên cạnh.

Phở Thịnh trên đường Tôn Đức Thắng, Quận Đống Đa mở cửa 2 ngày nay, đón khá nhiều thực khách, chủ cửa hàng cho biết khách đến đông nhưng quán chia ca vừa đủ để đảm bảo giãn cách xã hội.

phở Thịnh
Phở Thịnh trên đường Tôn Đức Thắng khách khá đông – ảnh trên Dân Việt.

Bà Thịnh, chủ quán cho biết trước khi mở bán trở lại, các thành viên trong gia đình đã cùng nhau làm những tấm mika ngăn đôi bàn để khách ngồi ăn giãn cách đúng với quy định của Thành phố. Những tấm vách này chặn giọt bắn, giúp những người ngồi đối diện nhau hạn chế khả năng lây nhiễm.

vách ngăn bàn ăn
Vách mika ngăn đôi bàn tại quán Phở Thịnh – ảnh trên Dân Việt.

Sáng 25/4, 24h ghi nhận khá đông thực khách yêu thích Phở Thìn đến thưởng thức hương vị quen thuộc phải ngưng gần một tháng nay. Khách đến rất đông khiến những người đến sau phải xếp hàng.

xếp hàng, đông khách
Khách đến quán phở Thìn phải xếp hàng – ảnh trên 24h.

Chủ nhà hàng đã bố trí vách ngăn kính để đảm bảo an toàn cho khách. Chị Nguyễn Thùy Linh quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Đây là địa chỉ ăn phở quen thuộc của tôi, hôm nay thấy nhà hàng sử dụng vách kính ngăn giữa các bàn và khuyến cáo khách giữ khoảng cách nên khi ngồi ăn cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên khách đến khá đông nên khoảng cách ngồi đôi lúc cũng gần nhau”.

vách ngăn bàn ăn
Phở Thìn có vách ngăn nhưng đông khách nên ngồi vẫn gần nhau – ảnh trên 24h.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Sơn 55 tuổi, chủ một hàng cơm bụi tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tự mình dùng tấm mika nhựa trắng trong suốt, chia bàn thành 4 ô cách biệt hoàn toàn, mỗi ô có kích thước đảm bảo cho khách ngồi thoải mái trong các ngăn.

vách ngăn bàn ăn
Zing đăng ảnh ông Sơn 55 tự làm vách ngăn.

Đi dọc con phố Phủ Doãn tìm hàng ăn, Anh Phương và chị Quyên đã chọn quán của ông Sơn vì an toàn, sạch sẽ. “Tôi thấy chủ quán rất cẩn thận khi chuẩn bị các tấm ngăn như vậy, hơi vướng mắt nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị”, anh Phương nói.

vách ngăn bàn ăn
Zing đăng ảnh 2 vị khách Phương và Quyên ăn thoải mái trong mỗi ngăn.

Theo đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ý tưởng của ông Sơn rất hay, Phường ủng hộ và khuyến khích nhân rộng ra những cơ sở kinh doanh khác trong địa bàn.

vách ngăn bàn ăn
Phường ủng hộ và khuyến khích nhân rộng biên pháp ngăn đơn giản này – ảnh trên 24h.

Tờ Zing dẫn lời ông Sơn cho biết chi phí khá rẻ, dễ làm mà lại đảm bảo khách không tiếp xúc trực tiếp khi phải bỏ khẩu trang để ăn. Tổng chi phí nguyên liệu làm vách ngăn cho toàn bộ cửa hàng gồm 10 bàn ăn, mỗi bàn chia làm 4 chỗ ngồi tổng cộng hết hơn 1,5 triệu đồng.

vách ngăn bàn ăn
Ông Sơn và người nhà tự mua vật liệu về làm – ảnh trên VietNamBiz.

Bên ngoài cửa cạnh lối ra vào, ông Sơn cũng chuẩn bị sẵn nước rửa tay khô cho khách.

rửa tay trước khi ăn
Nhiều quán khuyến nghị khách rửa tay trước khi ăn – ảnh trên Baomoi.

Tuy vậy ngày đầu cách ly, bên cạnh một số hàng phở đã đông đúc thì một số quán cơm bình dân khá vắng khách.

vắng khách
Một số quán cơm vắng khách – ảnh trên Thanh niên.

E ngại dịch bệnh, nhiều khách hàng chọn mua cơm về nhà ăn cùng người nhà thay vì cùng nhau ra quán.

mua về
Khách lựa chọn mua đồ ăn về nhà – Ảnh trên kênh14.

Một chủ quán chia sẻ rằng “khi lắp vách ngăn này, lượng khách ăn trực tiếp tại quán sẽ giảm đi do mất diện tích làm vách ngăn. Tuy nhiên khi dịch vẫn còn, mô hình này làm người đến ăn cơm thấy yên tâm hơn khi được giữ khoảng cách an toàn. Ông mong cách làm thiết thực này nên được nhân rộng trong thời gian tới”.