Chị Trúc Phương bất ngờ khi đưa tặng 75 triệu đồng tiền quyên góp thì ông lão bán vé số ở Sài Gòn từ chối không nhận.

Câu chuyện lấp lánh sự nhân văn, chất chứa bao dung, tự trọng của người Sài Gòn giữa một cô gái trẻ và ông lão bán vé số đang được lan tỏa mạnh trên các trang mạng xã hội.

Cụ thể, qua mạng xã hội, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương biết hoàn cảnh của ông Vũ Văn Sơn (63 tuổi) – người bán vé số với tấm biển: “Tôi bị câm điếc xin cô bác làm ơn giúp đỡ”. Từng làm nhiều việc thiện nguyện, lần này chị Phương kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ ông Sơn. Rất nhanh chóng, khoản tiền quyên góp được đã lên tới 75 triệu đồng.

Chị Phương cho biết đã học được bài học về sự “biết đủ sẽ thấy an nhiên’ của ông Sơn.

Nhưng điều bất ngờ là khi chị Phương ngỏ ý tặng số tiền trên, ông Sơn nhất quyết từ chối.
Sau một quá trình ‘đàm phán’, chị Phương cố thuyết phục ông Sơn nhận 20 triệu đồng; ông vẫn không chịu. Mãi sau, người đàn ông câm điếc hàng ngày mưu sinh nhờ những tờ vé số mới nhận 5 triệu đồng.

‘Số còn lại đem phát cho những người khó khăn hơn tôi’, ông Sơn nhẹ nhàng ra dấu thể hiện lời nhắn nhủ với chị Phương.

‘Biết đủ, tự lòng mình sẽ thấy an nhiên’

Chị Phương đã chia sẻ những tâm tư như vậy trên trang facebook cá nhân sau chuyến tặng quà ông Sơn. Cô gái trẻ từng làm rất nhiều việc từ thiện tâm sự, hành động đầy tự trong của ông Sơn đã giúp mình có được một bài học đáng quý trong cuộc sống.

Về phần ông Sơn, ‘nghèo nhưng sống có phong thái’ là những ấn tượng ông để lại cho những người đã từng tiếp xúc. Theo chia sẻ của phóng viên báo Thanh Niên, mỗi lần đưa vé số hay nhận tiền từ khách ông Sơn đều đưa bằng hai tay và liên tục gật đầu để cảm ơn. Người mua thấy vậy cũng nở nụ cười đáp lại rồi mới đi. Bán được vài tờ vé số, ông ngồi bệt xuống đường nghỉ một lát rồi đứng lên vẫy tay, cười mời chào người đi đường.

Không nói được, ông Sơn giao tiếp trên giấy. Ông kể, ngày xưa bị pháo rơi ngay hầm cá nhân, ông bị ra máu lỗ tai; sau đó tai không nghe được rồi dần dần không nói được.

Gia đình ông hiện vẫn ở Long An, ông bà có hai con gái đã lập gia đình. Vợ ông ở dưới quê đi làm cỏ, làm rẫy mướn, có người thuê thì có ăn, không thì chờ thời.

Hai năm mưu sinh ở Sài Gòn, ông Sơn được một người chủ lo cho chỗ ăn ngủ, lấy vé số không vốn để đi bán kiếm tiền. Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng, bán đến hơn 23 giờ mới về.

Ông Sơn bảo, mỗi ngày ông đi bán vé số mỗi hướng khác nhau. Nguyên do cũng là nghĩ cho người khác: ‘Mình phải đổi đường chứ ngày nào người ta cũng thấy mình rồi cứ mua như họ “nợ” mình vậy’.

Nói chuyện với phóng viên báo Thanh Niên về việc từ chối món tiền lớn, ngay cả việc mua xe đạp mới, ông nhẹ nhàng: ‘Tôi tuy khổ nhưng còn đi kiếm tiền được, còn nhiều người có hoàn cảnh còn khó khăn hơn nên mình cần chia sẻ. Còn xe đạp cũ mới gì cũng vậy, khi mình đã có tức là ngày hôm nay mình diễm phúc, bởi những gì đòi hỏi nó mang tính chất nhu cầu, mà nhu cầu thì không biết bao nhiêu mới đủ. Không ai bằng lòng với hiện tại cả. Xe này từ tiền bán vé số dành dụm, mua lại người ta giá 200.000 đồng’.

Ông cũng chia sẻ: ‘Có tình thương của mọi người dành cho tôi là tôi hạnh phúc lắm rồi, có tiền nhiều mà không có tình thương của mọi người, không có tình thương của mấy cháu thì nó giống như cây khô thiếu nước vậy. Tôi chỉ mong sao vợ, các con cháu luôn mạnh khỏe và tôi không còn bệnh huyết áp nữa là tôi vui rồi, chỉ mong vậy thôi’.