Số vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc đối với khoản nợ bằng USD đã tăng gấp ba lần từ 4 tỷ USD năm ngoái lên 12 tỷ USD trong năm nay, theo báo cáo của công ty tài chính Natixis (Pháp).

Trong bối cảnh các tác động của quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, đại dịch COVID-19, và giá dầu sụt giảm, Trung Quốc đang chứng kiến số vụ vỡ nợ trái phiếu USD tăng cao nhanh chóng.

Tờ SCMP nhận định những bất lợi này đã làm suy giảm niềm tin thị trường, gây ra thiếu hụt thanh khoản bằng đồng USD và hạn chế khả năng vay USD của một số công ty để trả khoản nợ hiện có.

Giám đốc điều hành tại China Chengxin (Châu Á-Thái Bình Dương), Zhang Guo cho biết tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể tăng lên do quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nhanh chóng và trái phiếu USD đáo hạn vào năm tới. Dữ liệu từ Refinitiv chỉ ra các công ty Trung Quốc nắm giữ số trái phiếu đô la Mỹ trị giá 101,8 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay, con số này sẽ tăng 10% vào năm 2021 và tăng thêm 19% vào năm 2022.

Ông Zhang cho biết: “Chúng ta cần xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô vì đại dịch ở nước ngoài vẫn chưa được kiểm soát, trong khi căng thẳng Mỹ-Trung cũng sẽ ảnh hưởng đến khoản nợ đô la Mỹ của Trung Quốc”.

Gary Ng, nhà kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis cho rằng tỷ lệ vỡ nợ đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trên thị trường nợ USD đã lần đầu tiên cao hơn tỷ lệ của các doanh nghiệp tư nhân.

Theo Refinitiv, các công ty Trung Quốc đã bán 40 tỷ USD trái phiếu trong quý này, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu của doanh nghiệp đối với trái phiếu bằng USD.

Những đe dọa trừng phạt từ Mỹ, thêm vào đó là đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu cấp thiết với đồng đôla Mỹ tại Trung Quốc để chi trả cho khối lượng nhập khẩu khổng lồ hay thanh toán những khoản nợ lớn do sự sụt giảm nhanh chóng của nguồn thu ngoại tệ qua xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và du lịch.

Vị thế thương mại của Trung Quốc còn có thể tồi tệ hơn nếu các chính quyền Mỹ, Nhật và EU thành công trong việc lôi kéo các công ty sản xuất rời khỏi Trung Quốc và đưa việc sản xuất hàng hoá trở lại đất nước họ sau những đứt gãy trong chuỗi cung ứng do COVID-19.