Tấm lòng bà chủ 110 phòng trọ ở Sài Gòn
Mong muốn những người xa quê ổn định cuộc sống và có được mái nhà chung, bà Nguyễn Thị Thành đã tạo dựng 110 phòng trọ ở ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, trở thành Khu lưu trú đầy ắp nghĩa tình.
- Thanh Hoá tiến hành xác minh các hộ cận nghèo ở biệt thự, đi ô tô
- Máy ‘ATM gạo’ Việt Nam xuất ngoại
- Đại Nghĩa lắp đặt 5 cây ATM gạo ở TP.HCM
Với vẻ bề ngoài giản dị, mộc mạc, ít ai ngờ bà Thành là một đại gia nhà đất khi cùng chồng sở hữu 110 phòng trọ. Nhiều năm trước, trên khu đất này bà chỉ xây cất 10 phòng trọ cho thuê. Nhưng rồi, những người đến đây cảm mến cái nghĩa, cái tình của bà chủ phòng trọ mà đề nghị bà mở rộng thêm diện tích cho thuê. Tới nay, số người đến ở đã nhiều gấp chục lần buổi ban đầu, nhưng không vì thế mà những cử chỉ ân cần, tấm lòng bao dung của bà Thành phai vợi.
Ấm áp tình người, vượt qua mùa dịch
Thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống người dân ở tại khu nhà trọ của bà cũng bị ảnh hưởng không ít. Khách thuê trọ nhà bà chủ yếu là công nhân, một số thì chạy xe ôm công nghệ… lượng việc giảm, thu nhập cũng ít theo. Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, bà Thành giảm hẳn một nửa tiền phòng trong 2 tháng, giảm tiền điện 3 tháng cho khách trọ. Coi như gia đình bà giảm đi một nửa thu nhập, cũng tầm vài chục triệu đồng.
Không chỉ giảm tiền phòng, tiền điện, bà còn cùng với Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân xin những phần quà như gạo, rau củ, trứng ,thịt… để cư dân trong khu nhà trọ của bà giảm bớt phần nào khó khăn mùa dịch.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, suốt 13 năm ở đây, chị được cô chú thương như con cháu trong nhà. Kỳ nghỉ kéo dài vừa qua, vợ chồng chị vô cùng bối rối vì 2 con nhỏ phải nghỉ học ở nhà. Trong lúc lo lắng chưa tìm ra giải pháp thì được bà Thành gợi ý trông giúp 2 đứa nhỏ cho vợ chồng yên tâm đi làm mà không lấy tiền. Trong thâm tâm, chị Ngọc luôn xem vợ chồng bà Thành như là ân nhân của mình.
Coi người khách trọ cũng là thân nhân
Chị Ngọc cho biết thêm: “Với những người mới tới ở trọ mà chưa có việc làm, cô Thành sẵn sàng giới thiệu việc làm, dẫn dắt họ làm nghề để người mới đến sớm ổn định cuộc sống”.
Tết Thiếu nhi, tết Trung thu năm nào khu nhà trọ của bà Thành cũng tổ chức phát quà cho các em thiếu nhi. Vào dịp Tết cả 110 phòng trọ đều được túi quà. Không những thế bà Thành còn tìm hiểu từng trường hợp cụ thể để xin vé xe cho công nhân về quê ăn tết.
Đặc biệt, năm nào Khu lưu trú số 1 của bà Thành cũng có công nhân làm đám cưới. Bà Thành chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: “Tui hỏi đứa nào muốn cưới, rồi hỏi thăm cách làm thủ tục, đăng ký kết hôn cho tụi nhỏ luôn”.
Với những người ở trọ lâu năm, hiền lành, thật thà, bà hỗ trợ làm sổ tạm trú dài hạn KT3 để cư dân yên tâm sinh sống, làm việc.
Dù đã bước sang tuổi 66, đi lại có phần khó khăn, bà Thành vẫn thường xuyên chống gậy thăm nom, quán xuyến khu nhà trọ. Gặp trường hợp khó khăn là bà ra tay giúp đỡ kịp thời. Bà yêu cầu cư dân khu trọ không được gây gổ, xích mích, phải cùng nhau sống chan hòa, đặt tình nghĩa lên hàng đầu.
Nhờ sự quan tâm, ân cần của bà, những năm qua, nhiều phận người tha hương đến Sài Gòn mưu sinh đã có được không gian sống giàu tình nhân ái. Có người đến nơi đây tìm chỗ trọ, nhưng ở lâu họ đã nhận ra mình đã tìm được mái ấm thứ hai.