Mục Tin tức Độc lạ tổng hợp ngày 21/5 của tin360.tv xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau:

  • Chú mèo đặc biệt có 2 màu mắt một xanh một vàng
  • Ngôi làng kì lạ: Dân làng chẳng ai có tên, gọi nhau bằng tiếng huýt sáo
  • Xác ướp 1100 tuổi đi giầy trông hệt như sneaker của Adidas
  • Loài động vật duy nhất trên trái đất có thể biến sắt trở thành áo giáp một cách tự nhiên

Chú mèo đặc biệt có 2 màu mắt một xanh một vàng

Chú mèo tai cụp Scotland có tên Joseph cuối cùng đã tìm được chủ mới sau khi chủ cũ tìm mọi cách để tống khứ nó đi bởi màu mắt quá khác biệt.

Màu mắt của chú mèo độc đáo như vậy là do hiện tượng dị hợp tử và không hề gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe nào khác

Chủ mới của Joseph là Evgenii Petrov, 29 tuổi, sống tại thành phố Saint Petersburg (Nga).

Petrov cho biết sở dĩ màu mắt của Joseph độc đáo như vậy là do hiện tượng dị hợp tử và không hề gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe nào khác.

Mèo tai cụp Scotland là một giống mèo rất thân thiện, thông minh, thích nghi tốt và rất tình cảm. Tai của chúng cụp xuống là do đột biến gene tự nhiên ảnh hưởng đến sụn của toàn cơ thể.

Ngôi làng kì lạ: Dân làng chẳng ai có tên, gọi nhau bằng tiếng huýt sáo

Kongthong là ngôi làng miền cao nằm giáp biên giới Bangladesh của Ấn Độ, thuộc tiểu bang Meghalaya, có dân số chừng 700 người.

Vì Covid-19, Kongthong đang bị tạm phong tỏa để tránh nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh từ các đô thị trong Meghalaya. Dẫu vậy, cư dân trong làng không gặp quá nhiều khó khăn. Họ sống dựa vào tài nguyên rừng núi nên không lo bị đói.

Người làng Kongthong nói rằng, họ đã đặt tên giai điệu và gọi nhau bằng cách thổi sáo từ hàng trăm năm nay

Người làng Kongthong có truyền thống đặt tên cực lạ. Sau khi sinh con khoảng 1 tuần, người mẹ nhất định phải sáng tạo ra làn điệu âm thanh mới mẻ, thích hợp làm tên gọi cho đứa bé. Nó thường dài từ 30-60s và không được trùng với bất cứ tên giai điệu nào của người trong làng, thậm chí tránh lặp với giai điệu của những cư dân đã khuất.

Người làng Kongthong nói rằng, họ đã đặt tên giai điệu và gọi nhau bằng cách thổi sáo từ hàng trăm năm nay.

Theo truyền thuyết từ làng Kongthong, trong rừng Meghalaya có những ác quỷ chuyên nghe trộm tên người. Nếu ai bị ác quỷ phát hiện tên thật, họ sẽ bị “quỷ vật” đến ốm liệt giường. Vì thế, người Khasi ở đây bèn nghĩ ra cách đặt tên không cần từ, ngân nga nó thành điệu nhạc. Để chắc chắn ác quỷ không học lỏm được, họ gọi nhau bằng cách huýt sáo.

Mỗi người dân làng Kongthong có đến 2 tên giai điệu. Một cái là đoạn nhạc ngắn, tương tự như tên thân mật, được dùng ở nhà, trong làng. Một cái là tên đầy đủ, thường được huýt gọi khi các cư dân săn bắt – hái lượm ở trong rừng.

Tuy nhiên, trong thế giới bắt buộc phải có thẻ căn cước ngày nay, người làng Kongthong cũng có tên bình thường. Họ dùng nó trong các giấy tờ tùy thân, ký xác nhận giao dịch… Các bà mẹ Kongthong có xu hướng chọn tên tiếng Anh đặt cho con. Song dù ở đâu, họ cũng chỉ thích gọi tên giai điệu. Ngay cả khi gặp gỡ nhau trong thành phố xa lạ, người làng Kongthong vẫn hân hoan huýt sáo tên giai điệu chào hỏi.

Xác ướp 1100 tuổi đi giầy trông hệt như sneaker của Adidas

Năm 2016, khi đang tiến hành nghiên cứu khảo cổ tại vùng núi Altai (Mông Cổ), các nhà khoa học đã tìm thấy một bộ xác ướp phụ nữ tầm 30-40 tuổi. 

Các chuyên gia từ Trung tâm Di sản Văn hóa Mông Cổ tin rằng người phụ nữ đã chết cách đây 1.100 năm do một vết thương nghiêm trọng ở đầu sau khi bị tấn công.

Điều khiến các nhà khoa học kinh ngạc là xác ướp này đi một đôi giầy trông giống hệt những đôi sneaker hiện đại! 

Báo Siberian Times đã phỏng vấn một số chuyên gia thời trang và nhận được câu trả lời: “Nhìn chung, chúng trông khá ‘cục’ nhưng rất sành điệu – Tôi sẽ không ngại mặc chúng trong điều kiện khí hậu lạnh. Những mũi khâu chất lượng cao, sọc đỏ và đen sáng, chiều dài hoàn hảo – tôi sẽ mua ngay bây giờ nếu viện bảo tàng chịu bán!”.

Bên ngoài đôi giầy còn được phủ một lớp Shilajit – một chất giống như nhựa đường dày. Lớp Shilajit  này sẽ bảo vệ đôi chân khỏi khí hậu lạnh và những chướng ngại vật trên đường.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy một chiếc túi đeo, 4 bộ quần áo, dao, lược chải đầu và một chiếc gương soi, cùng xác một chú ngựa.

Các nhà khoa học tin rằng các vật phẩm được bảo quản trong điều kiện lý tưởng là do độ cao và khí hậu của vùng núi.

Loài động vật duy nhất trên Trái Đất có thể biến sắt trở thành áo giáp một cách tự nhiên

Loài ốc sên chân vảy (tên khoa học: Chrysomallon squamiferum), còn được biết tới với những cái tên khác như ốc sên chân giáp, ốc sên thủy nhiệt, là loài động vật duy nhất trên Trái Đất có thể kết hợp sắt với lớp áo giáp exoskeleton bảo vệ bên ngoài cơ thể. Lớp áo giáp này có thành phần chủ yếu là canxi và sunfua sắt, khiến cho vẻ ngoài của loài ốc sên này lúc nào cũng có ánh kim loại.

Những con ốc sên chân vảy thường sống ở môi trường suối nước nóng dưới biển sâu với áp suất nước và nhiệt, độ axit cao và hàm lượng oxy rất thấp. Tuy sống ở môi trường như vậy nhưng ngày nay loài động vật này cũng phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và đã được đưa vào danh sách các loài động vật đang bị đe dọa.

Cho tới nay, câu hỏi tại sao chúng lại có được bộ giáp như vậy và bộ giáp của chúng được hình thành như thế nào vẫn chưa có lời giải đáp.