“Tôi chưa biết cái luật đó, không ai biết nó sẽ ra sao. Nhưng nếu nó xảy ra, chúng tôi sẽ có biện pháp cứng rắn”, ông Trump trả lời phóng viên hôm 21/5 về luật an ninh Hồng Kông mà Trung Quốc sắp ban hành.

Hôm 22/5, trong phiên họp thường niên, Quốc hội Trung Quốc thảo luận việc công bố “Luât an ninh Hồng Kông”. Từ nguồn tin rò rỉ trước đó, truyền thông Hồng Kông đã tiếp cận và cho biết một số nội dung trong dự luật như cấm các hoạt động ly khai, khủng bố, lật đổ chính quyền, can thiệp của nước ngoài tại Hồng Kông. Dự luật có thể sẽ sớm được thông qua sau khi Ủy ban Thường vụ họp vào đầu tháng 6 tới.

Nếu dự luật đươc thông qua thì sẽ đi ngược lại Điều 23 Luật Cơ bản của Hồng Kông là yêu cầu chính quyền đặc khu ban hành luật riêng để cấm hành vi ly khai, làm phản, xúi giục, nổi loạn, lật đổ. Điều này cũng có nghĩa là Bắc Kinh sẽ chỉ đạo các hoạt động vốn thuộc quyền tự quyết của Hồng Kông. Theo một dòng tít trên BBC, luật mới này có thể “kết liễu Hồng Kông”.

Bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “Mọi nỗ lực áp đặt luật an ninh mà không dựa vào ý chí của người dân Hồng Kông sẽ gây ra bất ổn lớn và chịu sự lên án mạnh mẽ từ phía Mỹ và cộng đồng quốc tế”.

Người biểu tình Hông Kông (Nguồn: Twitter/ Hong Kong news)

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng những cam kết và nghĩa vụ của mình trong tuyên bố chung Trung – Anh với các điều khoản như Hồng Kông được hưởng quyền tự trị cao, người dân đặc khu được hưởng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”.

Đồng tình với Tổng thống Trump, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng đề xuất dự luật trừng phạt với bất kỳ thực thể nào làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự trị của Hồng Kông. Thực thể nhắm đến có thể là cảnh sát đàn áp người biểu tình, các quan chức liên quan đến chính sách Hồng Kông. Áp dụng các chế tài đối với các ngân hàng thực hiện giao dịch với người xâm phạm quyền tự do của thành phố.

Trong động thái ngày 22/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố “Mỹ lên án đề nghị đơn phương và tùy tiện áp đặt dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông” . Ông Pompeo gọi đây là “đề xuất tai hại của Bắc Kinh”, và “Trung Quốc cần tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như tôn trọng quyền tự trị cao, các thể chế dân chủ và tự do dân sự của Hồng Kông, vốn là chìa khóa để duy trì vị thế đặc biệt của Hồng Kông theo luật pháp Mỹ”.

Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh từ năm 1842. Được trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997. Chính phủ Trung Quốc và Anh đã ký Tuyên bố chung Trung – Anh vào năm 1984 quy định rằng Hồng Kông sẽ được hưởng quyền tự trị cao ít nhất là 50 năm (đến năm 2047), dưới chính sách một quốc gia, hai chế độ. Luật cơ bản Hồng Kông được ban hành sau đó để phù hợp với tuyên bố chung Trung – Anh.

Từ năm 1997, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm chống lại sự can thiệp sâu của chính quyền Trung Quốc vào khu tự trị Hồng Kông. Đỉnh điểm vào năm ngoái, để phản đối dự luật dẫn độ, hàng triệu người dân đã xuống đường biểu tình trong nhiều tháng. Cảnh sát không ngừng gia tăng sự tàn bạo, áp dụng quá mức vũ lực để đàn áp người biểu tình. Chính phủ lại không nhượng bộ, bất chấp sự phản đối của người dân và cộng đồng quốc tế.

Trước sự leo thang này, Tổng thống Trump đã ban hành luật Dân chủ và nhân quyền cho Hồng Kông. Nếu Bắc Kinh can thiệp sâu vào quyền tự trị của Hồng Kông thì Mỹ sẽ chấm dứt ưu đãi đặc biệt cho đặc khu. Đạo luật này đã khiến Bắc Kinh nổi giận.