Theo thông tin Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, chỉ trong ngày 28/3, trên địa bàn tỉnh có thêm 336 con trâu, bò tại 233 hộ, 40 thôn, 29 xã tại 7 huyện trong tỉnh mắc bệnh viêm da nổi cục.

Nguồn tin từ báo Nông Nghiệp, kể từ ngày 3/2 – 28/3/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tại 976 hộ chăn nuôi tại 181 thôn, 54 xã của 11 huyện với 1.337 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Lực lượng thú ý đã phải tiêu hủy 21 con trâu bò mắc bệnh. Hiện các ngành chức năng đang thực hiện giải pháp khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngoài việc nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm trâu, bò trên địa bàn xã, phường trong thời gian có dịch, Thanh Hóa đã lập nhiều chốt kiểm soát ngăn chặn không đưa trâu bò, sản phẩm trâu bò ra ngoài vùng dịch; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã, phường có dịch.

Đồng thời, tại vùng dịch được phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm, bãi chăn thả …

Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình… cũng xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2020. Đến đầu tháng 3/2021, đã xảy 184 ổ dịch tại 163 xã thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 2.200 con, với gần 300 con chết và tiêu hủy. 

Cục Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục, còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.

Đường lây truyền chủ yếu của bệnh là qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa… Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: Sốt cao, có thể trên 41độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi).