Luật sư của Tổng thống Donald Trump, cô Jenna Ellis hôm 21/12 cho biết, cô phản đối việc áp dụng Đạo luật chống bạo động năm 1807 (Insurrection Act), trong bối cảnh Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đang tiếp tục các vụ kiện pháp lý về kết quả bầu cử năm 2020.

Theo luật sư Ellis, nếu áp dụng Đạo luật chống bạo động trong bối cảnh hiện nay có nghĩa là tổng thống có thể điều động “quân đội và sẽ tịch thu tài sản ở các bang có chủ quyền”, chẳng hạn như tịch thu các máy bỏ phiếu Dominion.

“Chắc chắn là tôi sẽ không tham vấn rằng người dân Mỹ muốn điều đó”, cô Ellis nói với tờ Just The News. Đồng thời, cô cũng cho biết, nếu Đạo luật này được sử dụng, thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu.

Cô giải thích rằng: “Chúng ta có tiến trình hiến pháp, và chúng ta có nhánh tư pháp mà [chúng ta] thực sự cần sử dụng… Tôi nghĩ rằng Tối cao Pháp viện đã khiến người dân Mỹ thất vọng khi họ từ chối thụ lý vụ kiện của tiểu bang Texas”.

Trước đó, hôm 7/12, tiểu bang Texas đã đệ trình lên Tối cao Pháp viện đơn kiện 4 tiểu bang, bao gồm Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia với lập luận rằng những bang này đã vi phạm Hiến pháp khi nới lỏng các luật đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã từ chối thụ lý đơn kiện này với lý do Texas “không thể hiện lợi ích thiết thực của họ về mặt pháp lý đối với cách thức mà tiểu bang khác tiến hành bầu cử”.

Trong cuộc phỏng vấn, luật sư Ellis nhận định rằng, nếu Tổng thống Trump áp dụng Thiết quân luật để xử lý các cáo buộc gian lận và bất thường, thì đó không phải là tình huống mà các bậc khai quốc mong muốn sử dụng Đạo luật này, theo The Epoch Times.

“Các cơ quan lập pháp của tiểu bang, họ có thể điều tra tất cả sự hủ bại này, họ có thể điều tra các bộ luật của họ đã bị bỏ qua hoàn toàn ra sao, và họ có thể lấy lại quyền chỉ định cử tri đoàn bất cứ lúc nào. Họ có thể từ chối thực hiện các bước xác nhận [kết quả bầu cử] vốn hoàn toàn sai và gian lận. Đó là giải pháp hợp hiến”, cô Ellis nói.

Luật sư Ellis lưu ý rằng những cố vấn của Tổng thống Trump phải “đảm bảo rằng cho dù chúng ta thấy đất nước đang bị tổn hại bởi sự hủ bại nhưng giải pháp của chúng ta không thể phá hoại bản thân Hiến pháp”.

“Nếu cuối cùng, chúng ta không sửa được cho đúng, thì trong trường hợp này, chúng ta vẫn phải chiến đấu để đảm bảo rằng sai trái này không bao giờ lặp lại nữa”, luật sư của Tổng thống Trump tiếp tục.

Đạo luật năm 1807 trao quyền cho tổng thống Mỹ, trong những trường hợp hết sức đặc thù, triển khai lực lượng quân đội để đối phó với tình trạng bất ổn dân sự, nổi dậy hoặc phản loạn. Đạo luật này cũng cho phép tổng thống giải quyết bạo lực trong nước hoặc âm mưu phi pháp ở bất kỳ tiểu bang nào dẫn tới việc tước đoạt các quyền hiến định mà tiểu bang đó không thể tự bảo vệ.

Đạo luật này được viện dẫn lần cuối vào năm 1992 để dập tắt các cuộc bạo động ở Los Angeles. Đạo luật quy định rằng, trước khi áp dụng, tổng thống “phải ra lệnh cho các phần tử phản loạn giải tán trong một thời gian nhất định. Nếu tình hình không tự động được giải quyết, thì tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội [dẹp bạo động]”.

Cuối tuần qua, Tổng thống Trump đã chỉ trích tờ New York Times đưa “tin giả” rằng ông đã thảo luận về việc khởi động Thiết quân luật trong một cuộc họp diễn ra vào ngày 18/12.

Patrick Byrne, cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn Overstock nói rằng, bản thân ông đã có mặt tại cuộc họp đó và cho biết, “[Tổng thống] Trump bị các cố vấn của chính mình lừa dối. Những cố vấn đó nói với nhân viên rằng “hãy khiến Tổng thống nhượng bộ”. Còn họ thì ngăn cản Tổng thống”.

Cuộc bầu cử “có thể thắng 100% [cho Tổng thống Trump]. Không cần đến thiết quân luật… Nhân viên của [Tổng thống] chỉ cố gắng thuyết phục ông đừng làm gì cả mà hãy nhượng bộ. Với tư cách là một giám đốc điều hành, tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến ​​những gì Tổng thống đang phải trải qua. Ông đã bị phản bội từ bên trong”, ông Byrne nói.