Mục điểm tin cập nhật sáng 29/4 xin gửi đến quý vị những nội dung sau.

Tin trong nước:

(Dân Trí) – Giá vàng sụt giảm trước thời khắc quan trọng. Lúc 6h30 sáng nay 29/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm hơn 7 USD, giao dịch ở mức 1.704 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC chốt phiên hôm qua (28/4) ở mức 47,9 triệu đồng/lượng – 48,25 triệu đồng/lượng (ở Hà Nội) và 47,95 triệu đồng/lượng – 48,6 triệu đồng/lượng (ở TPHCM).

Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá vàng thế giới sụt giảm do ảnh hưởng bởi việc giá dầu thô giảm mạnh. Tuy nhiên, giá vàng vẫn được hỗ trợ ngay cả khi khả năng sự lây lan của dịch Covid-19 được đẩy lùi, bởi tốc độ phục hồi kinh tế sau dịch vẫn không chắc chắn.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm phiên thứ 2 do giới đầu tư giao dịch cầm chừng trước 2 cuộc họp quan trọng tại Mỹ và châu Âu – (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, theo lưu ý của giới chuyên gia, giá vàng thế giới tiếp tục giảm phiên thứ 2 do giới đầu tư giao dịch cầm chừng trước 2 cuộc họp quan trọng tại Mỹ và châu Âu.

Hiện tại, giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (kết thúc vào thứ tư) và cuộc họp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ năm tuần này.

(Tuổi Trẻ) – Việt Nam 13 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, 9 ca tái dương tính. Theo cập nhật lúc 6h sáng 29/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong vòng 12 giờ qua Việt Nam không có ca mắc mới. Và cũng là ngày thứ năm không có ca nhiễm mới được ghi nhận.

Tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến nay, cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam hiện có tổng số ca mắc vẫn là 270. Tại TP.HCM ngày 28/4 phát hiện một ca dương tính trở lại với Covid-19 sau khi ra viện, đưa tổng số ca dương tính lại trên cả nước lên 9 ca.

Hiện tổng số trường hợp được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 221; 49 người đang điều trị, trong đó 8 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona chủng mới từ 2 lần trở lên.

(VTC) – Thịt lợn 60 ngàn/kg, 50.000 tấn nhập cảng, Thứ trưởng đi kiểm hàng. Từ đầu năm đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu từ các quốc gia về Việt Nam khoảng 50.000 tấn, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Hoa Kỳ và Liên bang Nga.

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra công tác kiểm dịch và thông quan việc nhập khẩu thịt lợn tại cảng Hải Phòng.

Hiện Việt Nam cho phép 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam. 

Có khoảng 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ đầu năm đến nay. Nga là quốc gia vừa được cấp phép xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam bắt đầu từ tháng 12/2019.

Giá thịt lợn trung bình nhập khẩu từ các quốc gia này về tới cảng Việt Nam vào khoảng 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg tùy loại sản phẩm. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn nội địa có bán trên thị trường.

(Tiền Phong) – Lễ 30-4, vé máy bay lên giá như vé tết. Từ ngày 28 đến 30/4, giá vé các hãng dao động 1,4-2,8 triệu đồng/vé (chưa tính thuế, phí). Cá biệt, vé VIP nếu tính cả thuế, phí ghế là gần 7 triệu đồng.

Đáng chú ý, các chuyến bay từ TP.HCM đi các tỉnh vé tăng cao như dịp tết. Cụ thể, chặng bay đến Hải Phòng trong ngày 28 và 29/4, giá vé dao động 2,3-4,3 triệu đồng/vé (chưa tính thuế, phí). TP.HCM đi Thanh Hóa 2,1-4,1 triệu đồng/vé.

Tương tự, chặng TP.HCM đi Đà Nẵng cũng có giá khá cao 1,6-3,3 triệu đồng. Chiều ngược lại trên các chặng bay từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng đến TP.HCM giá thấp hơn chút ít, 1,7-2,4 triệu đồng/vé.

Tin thế giới:

(Dân Trí) – Tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc xua đuổi. Giới chức Hải quân Mỹ nói với trang tin USNI News ngày 28/4 rằng, tàu khu trục USS Barry đã thực hiện hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

(Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí)

Thông tin trên được đưa ra cùng thời điểm giới chức Trung Quốc thông báo về sự xuất hiện của một tàu chiến Mỹ tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Hải quân Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân “theo dõi, giám sát, xác thực, nhận dạng và xua đuổi” một tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển Hoàng Sa.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, tàu Mỹ bị Trung Quốc cảnh báo là tàu khu trục USS Barry.

Mặc dù thông báo của Trung Quốc cho biết quân đội nước này buộc tàu USS Barry phải rời khỏi Hoàng Sa, song một quan chức Hải quân Mỹ nói với USNI News rằng, hoạt động của tàu Mỹ vẫn diễn ra như kế hoạch mà không phải đối mặt với hành vi thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ các máy bay hay tàu chiến Trung Quốc.

Trước đó, truyền thông Đài Loan đưa tin tàu USS Barry của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 2 lần trong tháng này. Trong cả 2 lần, các tàu chiến của Trung Quốc đều bám sát tàu Mỹ.

(Tiền Phong) – HLV Park Hang Seo lọt top 40 người ảnh hưởng nhất Hàn Quốc. HLV tuyển Việt Nam, Park Hang Seo đã được tạp chí danh tiếng Forbes chọn vào top 40 người có ảnh hưởng lớn nhất ở Hàn Quốc năm 2020.

Theo xếp hạng của Forbes, HLV Park Hang Seo chỉ đứng thứ 38. Tuy nhiên, đây là điều dễ hiểu vì Hàn Quốc có rất nhiều người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt ở lĩnh vực giải trí.

(Ảnh chụp màn hình 90min.com)

Đứng đầu bảng xếp hạng năm 2020 là nhóm nhạc BST. Tiếp theo là cầu thủ bóng chày Ryu Hyun Jin và nhóm nhạc nữ BLACKPINK. Đứng thứ 4 là ngôi sao bóng đá Son Heung Min. Trong danh sách này còn một cầu thủ khác là tài năng trẻ đang nổi của Valencia, Lee Kang In.

(VTC) – Không ngại Trung Quốc, Australia quyết điều tra độc lập về COVID-19. Tiếp sau Bộ trưởng Ngoại giao Australia, hôm 28/4, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham tiếp tục khẳng định quan điểm của Australia về việc kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19 đồng thời nhấn mạnh Australia không đánh đổi lợi ích kinh tế với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuyên bố được Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham đưa ra trong bối cảnh, tuần trước Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đề xuất cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19. Không chỉ các nhà chính trị, người dân Australia cũng cho rằng các thông tin về sự khởi đầu của dịch Covid-19 cần được minh bạch để giúp cho quá trình điều trị và ngăn chăn sự lây lan của dịch bệnh đạt hiệu quả cao và nhanh chóng hơn.

Trung Quốc không có chung quan điểm với Australia trong vấn đề này. Đại sứ Trung Quốc tại Australia Jingye Cheng hôm 27/4 đe dọa rằng, Trung Quốc có thể trả đũa Australia trong các lĩnh vực thương mại, du lịch và giáo dục.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, khi chưa có vaccine cũng như chưa có phác đồ điều trị thống nhất đối với Covid-19, Australia cũng không mong chờ sẽ sớm được đón khách du lịch và sinh viên từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác.

Trong bối cảnh thiệt hại về kinh tế là không thể tránh khỏi, điều cần thiết nhất và có lợi nhất cho Australia vào lúc này vẫn là đẩy nhanh việc tìm ra các biện pháp chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh.