Kiên Giang: Thẩm phán bị tố ban hành quyết định trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho công dân
Thẩm phán Trương Ngọc Hồng bị tố cáo ký quyết định trái pháp luật khi còn làm làm việc tại TAND huyện Phú Quốc, khiến một công dân chịu thiệt hại đặc biệt lớn, với số tiền hơn 90 tỷ đồng.
- Phú Quốc: Mua đất từ năm 2004 được nhà nước công nhận rồi thành sở hữu của 4 người xa lạ
- Vụ tố ‘lật lọng’ hơn 4.000 mét đất Phú Quốc: Hiện trường tranh chấp đã biến thành công trường
- Tiếp vụ ‘lật lọng’ hơn 4.000 mét đất ở Phú Quốc: Ông Huỳnh Quang Hưng bị tố cáo những gì?
- Phải chăng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đang thờ ơ trước hành vi sai trái của cán bộ cấp dưới?
- Người dân tố cáo Chủ tịch UBND TP Phú Quốc: Nếu Kiên Giang đẩy trách nhiệm, đành gửi đơn lên cấp cao hơn
- ‘Kỳ án’ ở Phú Quốc: Từ lá đơn một công dân cấp thiết gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
Tháng 11/2023, ông Nguyễn Tuấn Dũng (thường trú tại Tổ 1, Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) gửi đơn cấp thiết tới Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương. Trong đó, ông Dũng tố cáo thẩm phán Trương Ngọc Hồng khi làm việc tại TAND huyện Phú Quốc ra quyết định sai phạm, khiến ông thiệt hại hơn 90 tỷ đồng.
Hành vi của thẩm phán Hồng được thực hiện trong vụ án tranh chấp đất đai ở Phú Quốc kéo dài suốt 10 năm qua. Vụ án tranh chấp này được nhiều người dân Phú Quốc quan tâm theo dõi.
Thẩm phán ký quyết định khiến mảnh đất đang tranh chấp bị thay đổi hiện trạng?
Theo hồ sơ vụ án, năm 2003, ông Dũng mua hơn 4.000 mét vuông đất ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ của ông Hồ Trung Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Chiều.
Năm 2016, ông Dũng phát hiện sau khi ông Thành chết, bà Chiều đã lật lọng vụ mua bán thửa đất hơn 4.000 mét vuông kể trên. Cụ thể, năm 2013, bà Chiều đã được UBND huyện Phú Quốc cấp quyền sử dụng diện tích thửa đất này (trong đơn, ông Dũng tố cáo ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc khi đó đã cấp sổ đỏ cho bà Chiều sai quy định).
Năm 2017, ông Dũng kiện đòi lại đất. Cùng năm 2017, Toà án huyện Phú Quốc thụ lý vụ kiện này. Nhưng phải 3 năm sau, tức là vào năm 2020, tòa án huyện Phú Quốc mới ra quyết định về vụ án này.
Đây chính là quyết định gây tranh cãi đã được ông Dũng nhắc đến trong đơn gửi Ủy bản Kiểm tra Trung ương. Cụ thể, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 28/2020/QĐ-ST-DS được thẩm phán của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc là ông Trương Ngọc Hồng ký ngày 12/05/2020. Quyết định này chính là phán quyết của tòa án huyện Phú Quốc đình chỉ vụ kiện đòi đất của ông Dũng đối với bà Chiều và các thành viên gia đình bà Chiều.
Đang trong giai đoạn tranh chấp, kiện tụng, thì quyết định đình chỉ số 28/2020 của tòa án huyện Phú Quốc đã mở ra một khoảng thời gian quan trọng cho gia đình bà Chiều tiếp tục thực hiện các biến động với thửa đất hơn 4.000 mét vuông này. Cụ thể, từ khi có quyết định của thẩm phán Hồng ký (ngày 12/05/2020), thửa đất liên tục được biến động, cho đến ngày 15/03/2022, nó đã được tách thành 4 mảnh, với giấy chứng nhận do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cấp cho cho 4 người mà ông Dũng khẳng định là không quen biết.
Sau khi mảnh đất đang tranh chấp bị tách thành 4 mảnh, nó lại bị các chủ sở hữu mới đứng tên ‘cắm’ ngân hàng để vay với số tiền hàng chục tỷ đồng.
“Hơn 4.000 m2 đất tranh chấp này được tòa án nhân dân Phú Quốc kê năm 2018 với định giá tổng giá thị trường khi ấy là hơn 90 tỷ đồng”, ông Dũng vừa nói vừa đưa văn bản làm bằng chứng với truyền thông. Ông tố cáo hành vi của thẩm phán Hồng đã làm ông thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn; khiến mâu thuẫn giữa các đương sự trong vụ án tranh chấp bị đẩy lên cao, gây mất an ninh trật tự tại khu vực Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ.
Điểm đáng ngờ nào trong quyết định đình chỉ vụ án của Thẩm phán Hồng?
Phân tích nội dung đơn gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Dũng nói với truyền thông rằng, ngoài hành vi cấp sai sổ đỏ của ông Huỳnh Quang Hưng, vụ việc này còn có hai vấn đề nổi cộm mà ông cấp thiết gửi Ủy ban xem xét:
Thứ nhất: Sự vô căn cứ trong quyết định đình chỉ vụ án của thẩm phán Trương Ngọc Hồng.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Dũng nhấn mạnh rằng, hơn 4.000 mét vuông đất ông mua của ông Thành bà Chiều đã được nhà nước công nhận. Bằng chứng là cùng với 1.000 mét vuông đất ông mua từ ông Chuộng bà Vân năm 2003, ông có tổng số hơn 5.000 mét vuông ở Ấp Đường Bào. Năm 2013, Nhà nước đã lấy 2.137,6 mét vuông trong tổng số hơn 5.000 mét vuông đất này để làm đường; sau đó, Nhà nước đã đền bù ông số tiền hơn 203 triệu đồng. Các văn bản về việc thu hồi đất và trả tiền đền bù hiện vẫn còn.
Tuy nhiên, trong quyết định đình chỉ vụ án mà thẩm phán Hồng ký, có đưa ra kết luận là phần đất ông Dũng được Nhà nước lấy làm đường (năm 2013) và trả tiền bồi thường là từ mảnh đất ông Dũng mua từ ông Chuộng và bà Vân. Điều kỳ lạ ở chỗ, quyết định này nhấn mạnh vào yếu tố ông Dũng có mua của ông Chuộng bà Vân mảnh đất có diện tích 1.000 mét vuông, nhưng tuyệt đối không ‘dám’ nhắc đến diện tích đất của ông Dũng bị Nhà nước thu hồi làm đường là 2.137,6 mét vuông. Ngoài ra, khi viện dẫn chứng cứ để đưa ra kết luận ‘nguồn gốc đất bồi thường của ông Dũng là mua từ ông Chuộng’, thẩm phán Hồng đã không đưa ra các thông tin quan trọng như diện tích đất đền bù có nguồn gốc từ thửa đất nào, tờ bản đồ số bao nhiêu…
Theo ông Dũng, nếu thẩm phán Hồng đưa ra các thông tin đầy đủ, thì chỉ qua một phép tính trừ bình thường cũng thấy rằng: Dù Nhà nước có lấy hết 1.000 mét đất ông Dũng mua từ ông Chuộng bà Vân, thì vẫn không đủ so với diện tích 2.137,6 mét vuông đất được nhà nước thu hồi? Vậy, diện tích đất còn lại lấy ở đâu? Đó chẳng phải bắt buộc nằm trong thửa đất mà ông Dũng đã mua từ ông Thành bà Chiều hay sao?
“Nhưng thẩm phán Hồng đã cố tình tránh nhắc đến các chi tiết quan trọng này nhằm ngụy tạo một cách vô căn cứ để đưa ra một quyết định gây bất lợi cho tôi. Dù khách quan cũng nhận ra, lập luận trong quyết định của ông Hồng rất nhiều sơ hở”, ông Dũng nói.
Thứ hai, Toà án TP. Phú Quốc ra quyết định thụ lý tiếp tục giải quyết vụ án khi mảnh đất đã hoàn thành thủ tục sang tên chủ mới.
Chính vì sự thiếu thuyết phục trong quyết định đình chỉ vụ án của thẩm phán Hồng, nên ngày 2/7/2021 hội đồng phúc thẩm tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 28/2020/QĐ-ST-DS của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc để tiếp tục giải quyết vụ án.
Quyết định phúc thẩm của tòa án tỉnh Kiên Giang có hiệu lực từ ngày 02/7/2021 (theo công văn số 115 ghi rõ), nhưng phải hơn nửa năm sau, đến ngày 21/03/2022, Toà án TP. Phú Quốc mới ra quyết định số 96/2022//TLST-DS thụ lý tiếp tục giải quyết vụ án.
Đối chiếu mốc thời gian, có thể thấy rằng: Khi Tòa án Phú Quốc thụ lý lại vụ kiện của ông Dũng (ngày 21/3/2022), thì 6 ngày trước đó, tức là ngày 15/3/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã đem mảnh đất tranh chấp, Toà đang thụ lý tách thành 4 thửa, cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sở hữu khác nhau.
Vì vậy, khi có quyết định số 96/2022 thụ lý lại vụ án, thì hiện trạng pháp lý của thửa đất tranh chấp trong tình trạng ‘ván đã đóng thuyền’, khiến cho tình thế của nguyên đơn vụ kiện đòi đất càng thêm bất lợi.
Điều này khiến dư luận trong và cả bên ngoài Phú Quốc đặt ra nghi vấn về việc quyết định số 96/2022 đã giúp cho bà Chiều hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản, đồng thời cố tình bao che cho hành vi sai phạm của thẩm phán Hồng khi ký quyết định số 28/2020.