Dự luật trừng phạt Trung Quốc đang chờ Tổng thống Trump ký
Ngày 27/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Tổng thống Trump được dự đoán sẽ sớm đặt bút ký.
- Dự luật an ninh Hong Kong: Mỹ tuyên bố khả năng trừng phạt Trung Quốc
- Tiết lộ nội dung dự luật các nghị sỹ Mỹ trao quyền ông Trump trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19
- Đài Loan và Mỹ hủy ưu đãi với Hồng Kông nếu Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, trước khi Hạ viện Mỹ thông qua, có tới 413 phiếu thuận tại Thượng viện, nên ông Trump chắc chắn sẽ ký ban hành. Ngoại giới nhìn nhận, đây sẽ là lần tiếp theo ông Trump làm Bắc Kinh nổi giận.
Dự luật trên kêu gọi trừng phạt những ai liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, Trung Quốc. Một thành viên bị chỉ đích danh trong dự luật là Bí thư Tân Cương Chen Quanguo, thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc, bị cáo buộc đã lạm dụng quyền lực, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Dự luật đồng thời kêu gọi các công ty và cá nhân Mỹ đảm bảo việc không thực hiện “lao động cưỡng bức” nằm trong chuỗi cung ứng.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, có khoảng hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo tập trung mà Trung Quốc chối rằng đó là các trung tâm dạy nghề.
Theo CNBC, cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ vào ngày 27/5 chỉ diễn ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trước Quốc hội. Ông tuyên bố rằng Hồng Kông không còn đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thương mại đặc biệt mà luật pháp Mỹ đã áp dụng cho Hồng Kông trước tháng 7/1997. Đồng thời nhấn mạnh phong trào biểu tình dân chủ tại Hồng Kông sẽ được chính phủ Mỹ ủng hộ.
Trong vài tháng qua mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng trở nên căng thẳng. Trước đó, Trung Quốc từng cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt của Mỹ, và phủ nhận chuyện ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.
Tình hình sẽ phức tạp hơn khi chiều nay 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật an ninh Hồng Kông. Theo giới quan sát, Mỹ sẽ sớm có phát ngôn và động thái cụ thể hướng về Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh thông qua dự luật này.