Vì sao việc xử ‘kỳ án’ cướp đất ở Phú Quốc mãi dùng dằng?
Thêm một năm nữa, vụ án ông Nguyễn Tuấn Dũng bị ‘cướp’ hơn 4.000m2 đất ở xã Dương Tơ (TP Phú Quốc, Kiên Giang) tiếp tục bị trì hoãn.
Bước sang năm 2024 này, tính ra đã là 11 năm từ khi ông Nguyễn Tuấn Dũng bị bà Nguyễn Thị Chiều dùng thủ đoạn lật lọng, cướp quyền sở hữu mảnh đất hơn 4.000m2 ở ấp Đường Bào (xã Dương Tơ). Theo như ông Dũng tố cáo, trong việc hợp thức hóa cho bà Chiều chiếm mảnh đất này, có vai trò đồng phạm của những cán bộ ở Phú Quốc, như ông Huỳnh Quang Hưng, khi đó là Phó Chủ tịch huyện Phú Quốc (hiện là Chủ tịch TP. Phú Quốc) và thẩm phán Trương Ngọc Hồng.
- Tiếp vụ ‘lật lọng’ hơn 4.000 mét đất ở Phú Quốc: Ông Huỳnh Quang Hưng bị tố cáo những gì?
- Phải chăng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đang thờ ơ trước hành vi sai trái của cán bộ cấp dưới?
Tính từ khi phát hiện sự việc (năm 2016), đã 8 năm ông Dũng đôn đáo gửi đơn tới các cơ quan có trách nhiệm, mong được tỏ bày và giải quyết sự việc theo con đường công lý. Những lá đơn của ông Dũng gửi đến nhà chức trách ở Phú Quốc, rồi gửi lên tới Kiên Giang. Phần nào đó trong lòng, như ông Dũng từng chia sẻ với truyền thông, ông từng tin là sự việc lên tới Kiên Giang thì sẽ được giải quyết.
Nhưng ngày tháng trôi qua, điều ông Dũng thấy chỉ là những công văn qua lại đưa đẩy trách nhiệm, để vụ việc trôi đi trong im lặng. Ông cũng phải chứng kiến mảnh đất rộng hơn 4.000m2 hỗn loạn vì nhóm người nhà bà Chiều đến phá rào, chặt cây, xây tường, thay đổi hiện trường trước khi đem giấy chứng nhận đất đi… cắm ngân hàng.
Từng đó năm, ông cũng được chứng kiến những cán bộ mà mình tố cáo sai phạm không chỉ ‘bình an vô sự’ mà còn được thăng chức cao hơn… Thêm nữa, việc ông xin giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất hơn 800m2 bên cạnh mảnh đất tranh chấp, vốn có giấy tờ hợp lệ đàng hoàng, cũng bị làm khó dễ. Tất cả những việc đó như để cảnh cáo ông rằng đừng tiếp tục theo đuổi vụ kiện đòi lại hơn 4.000m2 đất.
Nhiều người biết tường tận câu chuyện, cảm thương và… nản thay cho ông! Chính ông Dũng cũng thừa nhận rằng, đã không ít lần mệt mỏi. Nhưng tin vào công lý, ông Dũng tiếp tục gửi đơn tố cáo tới các cấp cao hơn, vượt ngoài phạm vi Kiên Giang; cũng như tới các cơ quan báo chí truyền thông cả nước.
- Người dân tố cáo Chủ tịch UBND TP Phú Quốc: Nếu Kiên Giang đẩy trách nhiệm, đành gửi đơn lên cấp cao hơn
- ‘Kỳ án’ ở Phú Quốc: Từ lá đơn một công dân cấp thiết gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
- Kiên Giang: Thẩm phán bị tố ban hành quyết định trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho công dân
Và sự việc đã bắt đầu được chú ý!
Đồng thời trong thời gian này, tại Phú Quốc đã có những vụ việc tương tự được phanh phui.
Như báo chí đã đưa tin, ngày 8/1/2024, ông Hà Việt Hùng (phó chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc) và ông Võ Duy Phong (cán bộ địa chính xây dựng xã) đã bị bắt, khởi tố về sai phạm “thực hiện không chặt chẽ, không kiểm tra các thông tin nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất mà những người tham gia xét duyệt đã cung cấp và tiến hành thu thập ý kiến không đúng đối tượng sử dụng đất, dẫn đến xác nhận sai thực tế nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất”.
Hành vi của những cán bộ này ở Cửa Cạn bị cáo buộc gây thiệt hại với số tiền trên 31 tỷ đồng. Trong khi đó, theo ông Dũng, cũng với những sai phạm tương tự, khi cấp quyền sử dụng đất cho bà Chiều, ông Huỳnh Quang Hưng đã gây thiệt hại cho ông 90 tỷ đồng; ngoài ra, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho cho Nhà nước vì khoản tiền đền bù vô căn cứ cho bà Chiều vào năm 2013.
Vì vậy, nhìn từ vụ việc ở xã Cửa Cạn, ông Dũng và người dân địa phương cho rằng không lý gì khi vụ ‘kỳ án’ cướp đất hơn 10 năm qua ở Phú Quốc có tính chất nghiêm trọng vẫn mãi dùng dằng không giải quyết!
Xem thêm:
- Phú Quốc: Mua đất từ năm 2004 được nhà nước công nhận rồi thành sở hữu của 4 người xa lạ
- Vụ tố ‘lật lọng’ hơn 4.000 mét đất Phú Quốc: Hiện trường tranh chấp đã biến thành công trường