Người dân đu dây qua sông Pô Kô như Tôn Ngộ Không: ‘Lúc mắc kẹt, tôi vừa ôm con vừa dùng tay kéo vào bờ’
Do cơn bão số 9 vừa qua làm nước sông Pô Kô dâng lên cao, cuốn trôi mất cầu treo bắc qua sông nên không còn đường để đi lại. Cầu bê tông thì cách cách rất xa nên người dân góp tiền mua dây cáp, ròng rọc để đu qua sông.
- Nghệ An: 61 người ‘ở ghép’ hộ cận nghèo bị thu hồi tiền hỗ trợ Covid-19
- Vụ xô xát tại quán cà phê ở Vĩnh Long: nghi án mẹ ruột thuê người đến bắt con gái
- Phát hiện thi thể người phụ nữ mang nhiều vàng ở Cà Mau
Theo báo Tuổi Trẻ, để tránh đi “đường vòng” mất thời gian, người dân của hai xã Đăk Nông và Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi đã tự góp tiền lắp dây cáp, mua ròng rọc bắc qua sông, rồi liều mình đu dây qua sông Pô Kô để đi lại cũng như phục vụ việc vận chuyển nông sản…
Báo Người Lao Động dẫn lời anh A Thế (thôn Tà Pook, xã Đắk Nông) cho biết, do gia đình có rẫy trồng mì ở bên kia sông, cầu treo bị trôi, nước sông lại chảy xiết nên anh và những người có rẫy bên kia sông góp tiền mua sợi dây cáp dài hơn 200 mét làm dây đu qua sông.
Riêng ròng rọc có gắn móc sắt thì mỗi người sắm riêng một cái, tự mang theo mỗi khi di chuyển. “Trước đây khi chưa có cầu treo, người dân chúng tôi cũng dùng cách này để qua sông. Đi quen rồi nên không thấy sợ nữa. Chỉ có người phụ nữ địu con mà đu qua sông, không may xảy ra chuyện rất nguy hiểm” – anh A Thế nói.
Bên cạnh đó, tại điểm cáp treo nối thôn Nông Nội với xã Đắk Ang, anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, trú xã Đắk Ang) hằng ngày vẫn phải đu qua sông để đưa con tới trường học cho gần, vì nếu đi cầu bê tông, phải mất hơn 20km. Đưa con đi học xong, anh lại dùng cáp treo chuyển hàng chục bao cà phê qua sông để mang đi bán.
“Nhiều lúc cáp treo kẹt ở giữa sông, cách mặt nước cả chục mét. Vừa ôm con tôi phải vừa dùng tay kéo dần dần để vào bờ. May mắn chưa bị rơi xuống sông lần nào” – anh Đại kể.
Cũng theo báo Người Lao Động, cáp treo gắn qua sông dài khoảng 50, 60 mét nối 2 bên bờ sông. Một bên cao hơn để khi dùng ròng rọc sẽ tự động chạy qua bên đầu thấp. Tương tự, có một dây cáp được thiết kế theo chiều ngược lại. Mỗi lần qua sông như vậy, cả thời gian chuẩn bị và chạy qua sông mất khoảng 5 phút. Nhiều người đu cáp treo xong còn ví mình như “Tôn Ngộ Không”.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, cách đây hơn 10 năm, cũng tại khu vực này sau khi ảnh hưởng của mưa bão, nhiều cầu treo bị lũ cuốn trôi, người dân cũng đã có “sáng kiến” kiểu đu dây nguy hiểm này để vượt sông Pô Kô. Sau khi dư luận phản ánh, chính quyền địa phương đã tiến hành khắc phục, sửa chữa và đầu tư xây dựng cầu treo mới.